Quy trình sản xuất gỗ ghép thanh
- Bước 1: Thu hoạch gỗ: Tiến hành lựa chọn và thu hoạch các cây gỗ đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất. Thông thường các nhà máy sản xuất thường có vùng nguyên liệu là các rừng gỗ như: Cao su, gỗ thông, tràm, ….
- Bước 2: Sơ chế: Toàn bộ gỗ nguyên liệu sau khi được thu hoạch về sẽ tiếp tục trải qua công đoạn sơ chế thô bằng hệ thống máy Ripsaw. Tại bước này các thanh gỗ sẽ được chia nhỏ theo tiêu chuẩn nhất định. Gỗ sẽ được cắt thành phôi, tuỳ theo nhu cầu sử dụng sẽ cho ra những loại phôi có kích thước tuỳ biến: mặt rộng từ 50mm đến 95mm và dài tuỳ biến từ 200mm đến 500mm, và có độ dày từ 10mm đến 40mm. Các thanh phôi này sẽ được đưa qua bộ phận đánh rãnh (mộng), có 2 loại cấu tạo thông dụng phổ biến hiện nay là: mộng đứng (finger đứng hình răng lược) và mộng nằm (finger ngang).
- Ưu điểm của finger đứng là tạo ra sự rắn chắc của tấm gỗ sau khi hoàn thiện nhưng để lộ những vết ghép hình răng lược.
- Ưu điểm của finger nằm ngang là giấu được những vết ghép lộ ra tạo nên độ thẩm mỹ cao nhưng lại không rắn chắc bằng kiểu ghép finger đứng
Ngoài ra trong quá trình tạo phôi, thanh phôi còn được chọn lọc kỹ càng thông qua quy trình phân tích sự đồng bộ về màu sắc, những lỗi xảy ra trên thanh phôi như mắt sống, mắt chết, và chỉ đen được sắp xếp phân loại AA, AB, AC, BC, CC.
- Bước 3: Sấy gỗ: Các thanh gỗ sau khi trải qua quy trình tẩm sấy nghiêm ngặt nhằm loại bỏ các thành phần như nhựa, mủ trong thân cây. Việc sấy gỗ ở nhiệt độ theo tiêu chuẩn còn giúp chống lại sự xâm nhập của côn trùng. Ngoài ra, bước sấy gỗ còn giúp chống lại sự co rút hay giãn nỡ do tác động của khí hậu (khi sản phẩm được hoàn thiện đưa vào sử dụng)
- Bước 4: Bào thô và tẩm keo: Phôi gỗ sau khi sấy khô sẽ được đưa qua khâu bào sơ bộ và tẩm keo (chất kết dính) tại các rãnh định hình và phần cạnh bên của phôi.
- Bước 5: Ghép thanh: Gỗ sau khi được bào thô và tẩm keo đầy đủ sẽ được đưa qua công đoạn ghép mộng (finger đứng hoặc finger nằm). Các thanh được ghép theo chiều dài 2.400 (mm) hoặc 2.440 (mm) và chiều rộng tương ứng sẽ là 1.200(mm) hoặc 1.220(mm).
- Bước 6: Xử lý bằng keo khô: Sau quá trình ghép thanh kết thúc, ván ghép tiếp tục được xử lý khô bằng keo công nghiệp để tăng khả năng kết dính cho tấm ván.
- Bước 7: Chà nhám: Kết thúc quá trình ghép thanh sẽ đến công đoạn chà nhám để làm tăng độ mịn và nhẵn của bề mặt.
- Bước 8: Phủ bề mặt: Tiến hành gia công lớp bề mặt theo yêu cầu của khách hàng. Các loại bề mặt thường được sử dụng là: Veneer, melamine, laminate, sơn PU hoặc phủ lớp keo bóng, …
- Bước 9: Kiểm điện chất lượng: Công đoạn cuối cùng là kiểm định chất lượng ván thành phẩm và chỉnh sửa những chi tiết nhỏ (nếu có) để cho ra thành phẩm đảm bảo chất lượng. Ván gỗ sau khi đã được kiểm định sẽ được vận chuyển đến kho hoặc vận chuyển đến người tiêu dùng.